SỨC MẠNH ĐOÀN KẾT LÀM NÊN ĐẠI THẮNG  MÙA XUÂN NĂM 1975 CỦA DÂN TỘC TA

Trong những ngày này, khắp mọi miền Tổ quốc hân hoan chào mừng kỷ niệm 49 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024). Chiến thắng 30/4/1975 mãi mãi là mốc son lịch sử hào hùng của dân tộc ta.

Sau thắng lợi Chiến dịch Tây Nguyên và Chiến dịch Huế - Đà Nẵng, Bộ Chính trị Trung ương Đảng nhận định: "Thời cơ chiến lược đã đến, ta có điều kiện hoàn thành sớm quyết tâm giải phóng miền Nam", từ đó đi đến quyết định: "Phải tập trung nhanh nhất lực lượng, binh khí kỹ thuật và vật chất giải phóng miền Nam trước mùa mưa (trước tháng 5/1975)". Ngày 14/4/1975, Bộ Chính trị quyết định chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định mang tên Chiến dịch Hồ Chí Minh. 10 giờ 45 phút ngày 30/4/1975, xe tăng và bộ binh ta tiến vào Dinh Độc Lập, bắt toàn bộ nội các Sài Gòn, Dương Văn Minh (vừa lên giữ chức Tổng thống Chính phủ Sài Gòn ngày 28/4) đã phải tuyên bố đầu hàng không điều kiện. Đến 11 giờ 30 phút cùng ngày, lá cờ cách mạng tung bay trên Dinh Độc Lập, báo hiệu sự toàn thắng của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Với tốc độ "một ngày bằng 20 năm", cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 diễn ra trong 55 ngày đêm đã giành được thắng lợi hoàn toàn. Trải qua 21 năm chiến đấu, nhân dân ta đã đánh thắng cuộc chiến tranh xâm lược thực dân mới quy mô lớn nhất, dài ngày nhất, ác liệt và dã man nhất từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Là chiến thắng vĩ đại và hiển hách nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta.

Ngày 30/4/1975 lịch sử đã chấm dứt cuộc chiến tranh kháng chiến chống Mỹ, cứu nước; chấm dứt hàng trăm năm xâm lược, nô dịch, chia cắt, “chia để trị” của ngoại bang. Ngày 30/4 cách đây gần nửa thế kỷ đã đưa Việt Nam lên hàng đầu các dân tộc chống đế quốc, thực hiện chân lý cách mạng “Không có gì quý hơn độc lập tự do” của thời đại Hồ Chí Minh. Văn kiện Đại hội IX Đảng Cộng sản Việt Nam nhận định: “Với những thắng lợi giành được trong thế kỷ 20, nước ta từ một nước thuộc địa nửa phong kiến đã trở thành một quốc gia độc lập, tự do, phát triển theo con đường xã hội chủ nghĩa, có quan hệ quốc tế rộng rãi, có tiếng nói và vị trí ngày càng quan trọng trong khu vực và trên thế giới. Nhân dân ta từ thân phận nô lệ đã trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ xã hội”.

Thắng lợi của dân tộc ta đồng thời cũng là thất bại của đế quốc Mỹ về quân sự và chính trị trong cuộc xâm lược Việt Nam. Thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước càng nhân thêm lòng tự hào về dân tộc ta - một dân tộc anh hùng, thông minh và sáng tạo; tự hào về Đảng ta - Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện, một lòng một dạ chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân. Đại thắng mùa Xuân 1975 thể hiện bản lĩnh, sức mạnh và trí tuệ Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh, là nguồn động lực to lớn, mạnh mẽ trong công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế của đất nước ta.

Đại thắng mùa Xuân 1975 của dân tộc Việt Nam là kết quả của nhiều nhân tố, trong đó, nhân tố có ý nghĩa quyết định là sức mạnh vô địch của khối đại đoàn kết toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng; sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, sự gắn bó giữa Đảng với dân, thực hiện lời căn dặn của Bác: "Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công". Phát huy sức mạnh đại đoàn kết của cả dân tộc, Đảng đã đề ra phương thức tập hợp quần chúng rất sáng tạo, thành lập các mặt trận dân tộc thống nhất riêng phù hợp với đặc điểm, điều kiện ở từng miền, lấy liên minh công - nông làm nền tảng, hướng đến mục đích tập hợp toàn dân thành một khối thống nhất. Việc phát huy cao độ truyền thống yêu nước của nhân dân ta cũng là một nhân tố quan trọng để tạo nên sức mạnh đại đoàn kết của cả dân tộc. Nhân dân hai miền giàu lòng yêu nước, đoàn kết nhất trí, lao động cần cù, chiến đấu dũng cảm vì sự nghiệp giải phóng miền Nam, xây dựng và bảo vệ miền Bắc, thống nhất nước nhà. Hậu phương miền Bắc không ngừng lớn mạnh, đáp ứng kịp thời các yêu cầu của cuộc chiến đấu ở hai miền, các tầng lớp nhân dân hăng hái thi đua lao động sản xuất, chi viện sức người, vũ khí trang bị kỹ thuật cho chiến trường miền Nam, biến quyết tâm thành hành động cách mạng: "Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược", "Tay búa tay súng", "Tay cày, tay súng"... Ở chiến trường miền Nam, địch dùng mọi thủ đoạn chia rẽ nhân dân với bộ đội, du kích, lập ấp dồn dân, đàn áp phong trào cách mạng nhưng nhân dân quyết tâm bám đất, bám làng, tình đoàn kết quân dân ngày càng gắn bó, không thể bị chia rẽ. Đại tướng Văn tiến Dũng đã từng khẳng định: "Sức mạnh cách mạng là sức mạnh của cả một dân tộc vùng lên làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình trong thời đại ngày nay. Và Ban lãnh đạo Việt Nam biết tổ chức khai thác, biết phát huy tất cả những sức mạnh đó để chiến thắng".

Sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc được Đảng ta dày công xây dựng và phát huy mạnh mẽ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước có nguồn gốc trước hết từ đường lối cách mạng độc lập, tự chủ, đúng đắn của Đảng. Đó là tiến hành cách mạng XHCN ở miền Bắc và cách mạng dân tộc dân chủ ở miền Nam. Sức mạnh đoàn kết quân dân là cơ sở để Đảng ta đề ra phương pháp cách mạng sáng tạo trong chỉ đạo chiến tranh là sử dụng bạo lực cách mạng với hai lực lượng: lực lượng chính trị quần chúng và lực lượng vũ trang nhân dân.

Đại đoàn kết toàn dân tộc không chỉ là truyền thống quý báu mà còn là nguồn sức mạnh to lớn, nhân tố có ý nghĩa quyết định của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong sự nghiệp đổi mới đất nước, Đảng ta luôn đề cao chiến lược đại đoàn kết toàn dân tộc, vì mục tiêu cao nhất là dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Đồng thời, kiên quyết phê phán, xử lý, trừng trị kịp thời, nghiêm minh đối với những hành vi xuyên tạc, bôi nhọ lịch sử, chia rẽ dân tộc, tôn giáo, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

THIỆN LINH